NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | XUÂN QUỲNH LÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA MUÔN THUỞ

Ngày 29/04/2021 09:34:29, lượt xem: 2583

Đề bài: “Xuân Quỳnh thực là người đàn bà của muôn thuở” (TS. Chu Văn Sơn). Chứng minh nhận định trên qua các khổ thơ 5,6,7,8,9 bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh.

 


BÀI LÀM
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”
Tình yêu chính là khúc ca vang đẹp đẽ nhất của trái tim, của tâm hồn. Nếu như ta bắt gặp ở hồn thơ Xuân Diệu là những khúc ca tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt thì giữa những chông chênh của cuộc đời, trái tim ta lại vô tình xô vào những tiếng thơ yêu giản dị, gần gũi nhưng sâu sắc, ấm áp vô cùng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. “Sóng” khoác lên cho mình câu chuyện tình yêu muôn thuở về nỗi nhớ, sự thủy chung, những trăn trở và khát vọng vĩnh viễn hóa tình yêu, có lẽ cũng chính vì thế mà nữ thi sĩ ấy được mệnh danh rằng: “Xuân Quỳnh thực là người đàn bà của muôn thuở” (TS. Chu Văn Sơn). Điều này được thể hiện rất rõ qua đoạn thơ:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước

Để ngàn năm còn vỗ”.

“Sóng” được sáng tác năm 1967, trong tập “Hoa dọc chiến hào”, khi đó cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Tưởng rằng lúc bấy giờ, mọi đề tài thơ ca đều hướng về chiến trường thì ở đó lại nảy nở lên một bông hoa yêu mãnh liệt - “Sóng”. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế ở bãi biển Diêm Điền, đứng trước những con sóng, trái tim yêu mãnh liệt của Xuân Quỳnh đã rung lên những hồi, những suy tư, trăn trở. Đặc biệt, trong 5 khổ thơ cuối bài thơ, người đọc dù ở bất cứ thời đại nào đều có thể bắt gặp mình trong đó, trái tim yêu mãnh liệt mang theo nỗi nhớ, một tình yêu thủy chung, những nỗi niềm trăn trở và cả khát khao vĩnh viễn hóa tình yêu. Chính vì vậy mà Xuân Quỳnh được mệnh danh là “người đàn bà của muôn thuở”.


Nỗi nhớ là câu chuyện của tình yêu, dù chúng ta có đang sống ở đâu, có là ai và ở thời đại nào đi chăng nữa thì ai cũng mang cho mình những nỗi niềm nhớ nhung trong tình yêu mà thôi. Viết về nỗi nhớ, Xuân Quỳnh như đang được sống thỏa với trái tim:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.


Nỗi nhớ như đang được trải dài ra, bao trùm lấy không gian, thời gian và tràn cả vào trong vô thức. Một thông điệp thơ đầy tình tứ mà Xuân Quỳnh muốn trải ra, đó là: Sóng nhớ bờ và Em nhớ anh. Có ai sống mà không yêu, có ai yêu mà không nhớ, ngay từ những câu ca dao xưa cũng đã từng cất lên rằng:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”.


Ở các khổ thơ trước, tình yêu mà Xuân Quỳnh vẽ ra chỉ trong 4 câu thơ thì dường như đến với nỗi nhớ, người con gái ấy đang sống thật với lòng mình, giãi bày ra hết tâm tư, tình cảm trong tình yêu. Biên độ khổ thơ được mở rộng hơn, phá vỡ quy luật về độ dài một khổ trong cả bài như để diễn đạt cho đủ, cho thỏa, cho ngút ngàn nỗi nhớ trong tình yêu. Hai hình tượng “sóng” và “em” đan xen vào nhau, khi thì hòa nhập vào nhau, khi lại tách biệt ra để cất lên tiếng lòng của riêng mình. Trong bốn câu thơ trước, “em” ẩn mình vào trong “sóng” để bộc lộ những cảm xúc trong lòng mình thì đến hai câu sau, “em” tách mình ra khỏi “sóng” để tự mình hạ lời thì thầm hai tiếng “em - anh”. Nỗi nhớ bao trùm lấy không gian, đi vào “dưới lòng sâu”, đi vào “trên mặt nước”, nỗi nhớ thường trực, ôm trọn cả thời gian, để dù đêm hay ngày trái tim em luôn thường trực trong mình một nỗi nhớ mong vô cùng. Nỗi nhớ ấy thật mới rộng lớn, mới ngút ngàn làm sao! Để rồi vượt lên mọi định luật của thời gian, của không gian, nỗi nhớ ấy đi cả vào trong vô thức. Cái “thức trong mơ” là một hình ảnh nghệ thuật độc đáo mà Xuân Quỳnh dùng để vẽ lên câu chuyện về nỗi nhớ của người con gái. Từ sâu trong lòng em, trong trái tim em ấy là nỗi nhớ, nỗi nhớ thường trực, nỗi nhớ ấy cứ dậy sóng mãi mà để rồi không chỉ riêng “Sóng”, Xuân Quỳnh cũng đã từng giãi bày nỗi nhớ của mình trong từng câu thơ của “Thuyền và biển”:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ”.


Câu chuyện của tình yêu muôn thuở không phải là chỉ riêng nỗi nhớ mà ở đó còn là khúc ca vang vọng về một khát vọng tình yêu thủy chung. Xuân Quỳnh trải lòng mình ra với nỗi nhớ rồi lại ôm vào mình một niềm khát khao về một tình yêu thủy chung:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương”.


Xuân Quỳnh đã mượn cặp phạm trù đối lập “xuôi Bắc”, “ngược Nam” - đồng thời cùng là cách nói lạ hóa như một cách riêng để nói về những khó khăn, những chông chênh, éo le trong cuộc đời. Người phụ nữ ấy đã từng trải qua những đổ vỡ trong tình yêu, nhưng nghe vang lên trong từng câu, từng chữ, từng vần thơ của bà vẫn luôn là niềm tin, khát vọng mãnh liệt trong tình yêu. Thi nhân mượn phương hướng của đất trời để khẳng định lòng thủy chung, son sắt của người con gái trong tình yêu. Cuộc đời này còn ẩn chứa nhiều ngang trái, éo le, cách trở là thế nhưng dẫu có ở nơi nào trái tim em vẫn luôn chỉ có một phương để hướng về, đó chính là phương anh. Dẫu đất trời có bốn phương tám hướng, cuộc đời này có nhiều vất vả, nhọc nhằn, chông gai thì trái tim em vẫn luôn hướng về anh, hướng về phương của hạnh phúc, của tình yêu, khát vọng, của đợi, chờ, tin, yêu. Điều này thật giống với những điều Xuân Quỳnh đã từng thủ thỉ trong một bài thơ khác:
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu”.
(Thuyền và biển)


Yêu là thế, nhớ mong là thế, hứa hẹn một lòng thủy chung đến vậy nhưng trong tâm tư của người con gái vẫn luôn mang trong mình những suy ngẫm, nhưng trăn trở riêng tư. Không phải chỉ riêng Xuân Quỳnh mà ở bất cứ trái tim yêu mãnh liệt nào cũng tự mang cho mình những lo âu về tình yêu như vậy. Một lần nữa “em” hòa nhập vào “sóng” để gửi gắm những nỗi niềm suy tư:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”.
Hành trình sóng tìm ra đại dương với biết bao gian khó khăn, nhọc nhằn, khi gặp những bão giông, sóng gió nhưng dù có thế nào đi chăng nữa những con sóng vẫn vượt qua mọi khó khăn để về đến với bờ, ôm trọn mình với bờ cho thỏa nỗi nhớ nhung. Và em cũng vậy, dù có phải trải qua biết bao khó khăn, éo le, cách trở em cũng sẽ tìm mọi cách để đến được bên anh, đến với bến đỗ cuộc đời, đến với tình yêu đích thực của mình. Ta có thể thấy, hai câu thơ cuối được thi nhân đảo vị trí như một lời khẳng định chắc chắn, một niềm tin sâu sắc, mãnh liệt vào tình yêu dù có phải trải qua biết bao khó khăn, nhọc nhằn đi chăng nữa. Thế nhưng, trong lời khẳng định có vẻ chắc chắn ấy, vẫn nhìn thấy trong tứ thơ là chút mong manh thường gặp. Xuân Quỳnh trước giờ vẫn thế, vẫn mang những âu lo, trăn trở “rất đàn bà” một cách khéo léo vào những trang thơ. Đọc đoạn thơ, ta nghe văng vẳng đâu đây là nhịp điệu của câu ca dao:
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.


Ở đoạn thơ này, người đọc có thể cảm nhận được chút vị cay đắng của người từng trải. Quả đúng là như vậy, người phụ nữ ấy đã từng đổ vỡ trong tình yêu, nhưng đọc đoạn thơ ta vẫn có thể thấy ở đó là niềm tin, là hi vọng, là khát khao được sống trong tình yêu đích thực của mình.
Chính vì yêu nồng nàn thế, yêu sâu sắc thế mà người con gái lại tự mang cho mình những lo âu, trăn trở về sự trôi chảy của thời gian:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”.
Cặp phạm trù “cuộc đời - dài” đối lập với “năm tháng - đi qua”, “biển - rộng” đối lập với “mây - bay về xa”. Vũ trụ, thời gian là vĩnh hằng thế nhưng cuộc đời con người lại chỉ là cái hữu hạn. Đứng trước đại dương bao la, trước muôn trùng sóng gió, trước những năm tháng tuổi trẻ, em bỗng lo sợ về sự trôi chảy của thời gian. Nỗi lo âu, trăn trở, khắc khoải của thi nhân về thực tại, thời gian thì cứ trôi mãi, mang đi theo tuổi trẻ, vậy còn tình yêu của em thì sao, phải làm sao để em được sống mãi trong tình yêu đẹp đẽ ấy. Quả thực trong tình yêu có cái gì đó rất mong manh, để rồi bao trong trong lòng người thi sĩ ấy luôn mang một nỗi khắc khoải:
“Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?”


Tình yêu là vậy đấy, nhớ thương, mong mỏi rồi lại tự ôm cho mình những nỗi lo âu. Có thể thấy, những nỗi âu lo của Xuân Quỳnh vẫn thường trở đi trở lại trong những trang thơ của chị. Nói như TS Chu Văn Sơn thì: “Đây là lúc những suy ngẫm về trái tim đập sau làn áo mỏng, về bàn tay ngón chẳng thon dài luôn sóng sánh trong thơ chị. Những dự cảm về nhà ga của chia ly gặp gỡ, con tàu của khát khao đi hồi hộp mỗi khi về luôn cồn cào trong thơ chị. Những nỗi cỏ dại bị dày xéo, hoa dại bị bỏ quên, mây trắng mải phiêu dạt, lá vàng ngày một thưa, cỏ may thèm giữ mãi, hoa cúc muốn y nguyên luôn khắc khoải trong thơ chị... Càng lo liệu đắp bồi, càng lo âu phấp phỏng. Con sóng thơ trong hồn chị càng về sau càng nặng trĩu những u uẩn của một lòng nữ vốn cả nghĩ cả lo.” Đứng trước những nỗi niềm trăn trở âu lo đó, Xuân Quỳnh tìm đến khát khao được sống mãi trong tình yêu, tự đặt ra cho mình câu hỏi như một cách để thể hiện nỗi niềm được hóa thân, được sống mãi trong tình yêu ấy:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.


Nếu như Xuân Diệu “muốn thâu”, “muốn cắn”, muốn chiếm lĩnh lấy tình yêu thì ở Xuân Quỳnh, một khát khao, một mong muốn rất riêng, rất nữ tính, đó là được hóa thân, được sống là những con sóng để được trường tồn mãi mãi, được sống mãi trong tình yêu. Cái tôi cá nhân muốn được hóa thân, được tan ra thành trăm con sóng nhỏ, được hòa vào đại dương để vĩnh viễn hát mãi khúc ca ngàn năm. Nếu như Xuân Quỳnh khát khao hóa thân thành những con sóng thì ở Xuân Diệu ta cũng đã từng bắt gặp một ý thơ, một khát khao được làm “bờ cát trắng”:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”.


Trong ý thơ Xuân Quỳnh, chỉ một từ “Làm sao” nhưng cũng đủ để ta thấy đáng yêu vô cùng, dù mai sau này có ra sao, chỉ cần hôm nay em được sống là chính mình, được sống trọn vẹn trong tình yêu. Đặt ở thời điểm ấy, đó có thể là tình yêu Tổ quốc: cái tôi cá nhân hòa nhập vào tình yêu Tổ quốc. Xuân Quỳnh mang trong mình một khát khao đồng điệu tuyệt đích, phá bỏ mọi giới hạn, mọi khoảng cách để sống trọn vẹn với tình yêu trong từng hơi thở nồng nàn.
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”


Đọc “Sóng” ta như thấy hình ảnh của từng cô gái trong đó mà không phải chỉ riêng Xuân Quỳnh. Tình yêu là câu chuyện của muôn thuở, nó vượt mọi thời gian, mọi không gian, luôn mang trong mình một sức sống bền bỉ. Thử hỏi có ai trong tình yêu mà không thương, không nhớ, không mong, có ai trong tình yêu mà không mang khát vọng thủy chung, khát vọng được sống mãi trong tình yêu đẹp đẽ ấy. Bởi vậy, với “Sóng” Xuân Quỳnh quả thật là “người đàn bà của muôn thuở”. “Sóng” - đó không chỉ là cuộc tình mà đó là cả cuộc đời. Qua từng ý thơ của Xuân Quỳnh, người thi sĩ ấy không phải chỉ gửi riêng nỗi niềm của mình mà còn là nỗi niềm của mọi cô gái, mọi trái tim yêu. Có những nỗi nhớ trào dâng trong lòng khi nhớ thương một người, có niềm tin vững chắc vào tình yêu của chúng ta dù phải cùng nhau vượt qua muôn trùng khó khăn, vất vả. Có những lo lắng, trăn trở trong những tháng ngày xa cách thế nhưng, vượt lên trên tất cả những cảm xúc thường thấy ấy là một khát vọng hướng tới sự thủy chung trong tình yêu và khát vọng hóa thân để vĩnh cửu hóa tình yêu của chính mình. Những cảm xúc ấy, niềm mong mỏi ấy đâu phải chỉ của riêng Xuân Quỳnh, đó là niềm mong mỏi của biết bao trái tim người con gái đang yêu hay mong chờ một tình yêu. Viết ra những điều máu thịt ấy “Xuân Quỳnh thực là người đàn bà của muôn thưở”.


Không dùng quá nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật, “Sóng” cứ đến với người đọc một cách nhẹ nhàng, dào dạt. Chỉ với cặp hình tượng “sóng - em” trải dài xuyên suốt bài thơ, khi thì hòa nhân, khi thi tách riêng để nói ra tiếng lòng mình, rồi khi lại hóa thân để trường tồn mãi với thời gian. Không cầu kì nhưng “Sóng” đến với người đọc bằng sự chân thành, bằng những gì giản dị, chân thành nhất, bằng những câu chuyện muôn thuở trăm năm trong tình yêu. Vậy nên, “Sóng” luôn là người bạn tâm giao của mọi người, mọi thế hệ, tạo nên sức sống trường tồn, muôn thuở. Vậy mới thấy, không phải tự nhiên mà TS. Chu Văn Sơn có những nhận xét như vậy về Xuân Quỳnh: “Xuân Quỳnh thực là người đàn bà của muôn thuở”.


Không dữ dội, mãnh liệt như Xuân Diệu, cứ nhẹ nhàng, cứ giản dị mà sâu lắng, Xuân Quỳnh lại mang cho mình những nét riêng, rất nữ tính. “Sóng” chính là khúc ca vang của tình yêu giản dị mà sâu sắc vô cùng. “Người đàn bà muôn thuở ấy” đã thổi hồn vào “Sóng”, mang đến cho “Sóng” nguồn sức sống bất diệt trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian, mọi thời gian để dù cho mai về sau, bất cứ thế hệ nào cũng sẽ luôn hát lên bài ca tình yêu xôn xao này. “Sóng” đã giúp Xuân Quỳnh ghi dấu ấn đậm sâu của mình vào trong trái tim độc giả. “Và vị trí ấy của Xuân Quỳnh, dường như mỗi chúng ta hôm nay ở đây cũng đã dành sẵn trong lòng mình. Cũng như mỗi lòng yêu đã dành sẵn một bến bờ để sóng Xuân Quỳnh tìm về vỗ mãi.”

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan